Liên kết website

Thống kê truy cập

Thông tin chỉ đạo điều hành

Một số quy định của pháp luật về xử lý thông tin sai sự thật

02/02/2020 00:00 162 lượt xem

Tình hình dịch viêm phổi virus Corona có xuất phát từ Trung Quốc đang diễn biến hết sức phức tạp, đây là vấn đề được quan tâm hàng đầu trên các phương tiện báo chí, truyền thông và mạng xã hội thời gian gần đây. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin cập nhật, tin tức chính thống về dịch bệnh, trên mạng xã hội đã xuất hiện rất nhiều thông tin sai lệch, thất thiệt, thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang dư luận và tạo nên nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.

 Dưới đây là một số quy định của pháp luật đối với hành vi đăng tin không đúng sự thật:

          Người có hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.

          Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định, trường hợp phao tin đồn sai sự thật nhằm xuyên tạc, câu like hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng,... thì người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức, 10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân.

          Điều 8, Luật An ninh mạng cũng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Còn nếu xác định tin đồn sai sự thật nhưng chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, không xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác và chưa ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì người tung tin sẽ bị xử phạt hành chính.

Trên địa bàn tỉnh Hà Giang tính đến nay chưa có trường hợp nào mắc virus Corona và cũng chưa có trường hợp bị xử lý về việc tung tin thất thiệt về dịch bệnh. Tuy nhiên, để hạn chế việc đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội, tránh tình trạng gây hoang mang, nhiễu loạn thông tin, khiến người dân dao động, thiếu tin tưởng vào chính quyền và ngành y tế, thì bên cạnh việc những nỗ lực phòng tránh, ngăn chặn và xử lý bệnh dịch, thì việc xử lý các thông tin về không đúng sự thật về bệnh dịch, gây tâm lý hoảng loạn, hoang mang dư luận cũng cần được xử lí một cách quyết liệt.

Các cơ quan báo chí, thông tin tuyên truyền cần chủ động, tích cực đăng tải các bản tin về tình hình, diễn biến bệnh dịch trên thế giới, trên toàn quốc và tại địa phương, đồng thời đăng tải các tài liệu tuyên truyền cùng những khuyến cáo cần thiết để người dân không hoang mang lo lắng, chủ động phòng chống dịch bệnh và tin tưởng vào công tác phòng chống, chăm sóc sức khỏe nhân dân của chính quyền địa phương.

Mỗi người dân/ chủ tài khoản mạng xã hội trên địa bàn tỉnh cần nâng cao trách nhiệm với những thông tin do mình đăng tải, chia sẻ; cảnh giác, chọn lọc thông tin, không nên chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở; thường xuyên theo dõi, đọc và chia sẻ thông tin từ các nguồn tin chính thống, được kiểm duyệt.

Cần có sự phối hợp giữa cơ quan công an và ngành Thông tin và Truyền thông, nếu phát hiện trường hợp tung tin thất thiệt trên mạng xã hội tại địa phương cần xử lý kịp thời, yêu cầu các chủ tài khoản lên làm việc gỡ bỏ các thông tin sai lệch và có những biện pháp răn đe, giáo dục triệt để.

Trường hợp người dân phát hiện có tin đồn thất thiệt về dịch bệnh Corona thì thông báo ngay đến cơ quan Công an để có biện pháp xử lý kịp thời; 


Tin khác